Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (COONC) vừa tuyên bố giàn khoan Hải Dương- 981 đã khám phá ra mỏ khí đốt đầu tiên trên Biển Đông.
Mỏ khí đốt mới được phát hiện mang tên Lingshui 17-2 nằm ở khu vực cách đảo Hải Nam 150km về phía Nam, tức là không nằm trong vùng tranh chấp trên Biển Đông. Mỏ khí đốt này nằm ở độ sâu khoảng 1.500m dưới mặt nước biển.
Thông tin trên được Tân Hoa xã đưa ra và cho biết giàn khoan Hải Dương-981 đã khám phá ra mỏ khí đốt này.
Đây cũng chính là giàn khoan được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 vừa qua.
CNOOC bày tỏ sự hài lòng về trữ lượng khí đốt tại mỏ Lingshui 17-2. Giám đốc điều hành CNOOC Xie Yuhong cho biết mỏ khí đố này có thể cung cấp tới 56 triệu m3 khí/ngày, tương đướng với khoảng 9.400 thùng chất lỏng/ngày. Ông Xie cho biết trữ lượng của mỏ khí đốt này là rất lớn (có thể lên đến 30 tỷ m3 khí).
Ông Xie cũng nói rằng đây là lượng khí đốt lớn nhất trong tất cả các mỏ khí đốt mà CNOOC đã thăm dò từ trước đến nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin cho biết việc tìm ra mỏ khí đốt Lingshui 17-2 mới chỉ là bước khởi đầu. Ông Wang cho rằng việc tìm ra mỏ khí đốt này sẽ mở ra triển vọng thăm dò dầu khí của Trung Quốc trên toàn Biển Đông. Điều này có nghĩa là, Trung Quốc có thể tái diễn hành động đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó,vào cuối tuần qua tờ Wall Street Journal, cho biết CNOOC đã mời các tập đoàn nước ngoài tham gia đấu thầu thăm dò các mỏ dầu và khí ở khu vực ngoài khơi Trung Quốc.
Theo đó, CNOOC chính thức mời thầu tại 33 mỏ dầu. Tuy nhiên, hầu như không có công ty nước ngoài nào tỏ ra "mặn mà" với việc tham gia đấu thầu bởi chi phí thăm dò và đầu tư phát triển là rất lớn.
Ngoài giàn khoan Hải Dương-981, CNOOC còn điều động thêm 3 giàn khoan khác ra biển Đông. Giàn khoan Hải Dương-982 sẽ kết thúc việc thăm dò dầu khí của mình vào năm 2016.
Theo tờ Wall Street Journal, việc Trung Quốc gia tăng việc thăm dò dầu khí trên biển thể hiện rằng nước này đang quan tâm đến 2 trong số những lợi ích chiến lược của mình, đó là: bảo vệ tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trên hầu khắp Biển Đông cũng như làm giảm mức độ phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Việc thăm dò dầu khí trên biển giúp Trung Quốc thể hiện quyền kiểm soát trái phép của mình trên nhiều khu vực ở Biển Đông trong khi vẫn cho phép Trung Quốc thăm dò và khai thác những nguồn năng lượng tại đây.
Theo VOV
No comments:
Post a Comment