Trung Quốc sử dụng sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 để đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khỏi các bất ổn trong nội bộ nước này.
Trung Quốc và nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh minh họa: ST |
Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở Biển Đông, nhiều nhà phân tích đã lên tiếng tranh cãi về lý do Trung Quốc chọn thời điểm này để hạ đặt giàn khoan. Một trong những lý do thuyết phục nhất là việc Chính phủ Trung Quốc muốn khỏa lấp những bất ổn nội địa bằng việc gây căng thẳng trở lại ở biển Đông, kéo dư luận ra khỏi những vấn đề nội địa. Hành động này từng được Trung Quốc sử dụng nhiều lần từ trước đến nay.
Hàng loạt vấn đề trong nội địa Trung Quốc
Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại ở Trung Quốc có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng lớn, như tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, bất ổn xã hội lan rộng, nạn tham nhũng tràn lan, sự tranh giành quyền lực trong tầng lớp lãnh đạo.
Trung Quốc đang chứng kiến cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng (được nhiều người gọi là xử lý cả “ruồi lẫn hổ” ). Hoạt động này gây ra nhiều thay đổi rất lớn trong hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế.
Ngoài việc đấu tranh trong bộ máy chính quyền, những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội Trung Quốc đang có nguy cơ bùng phát, mà những cuộc va chạm giữa những người lao động với chính quyền, hay giữa những người thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với chính quyền là sự thể hiện rõ ràng nhất.
Tân Cương là khu vực rộng lớn giàu tài nguyên, đồng thời là nơi cư trú của nhiều nhóm dân tộc và tôn giáo khác nhau, trong đó phần lớn cư dân theo Hồi giáo. Việc người Hán tới đây tìm kiếm việc làm và định cư lâu dài đã làm xáo trộn đời sống xã hội tại khu tự trị này.
Người Hán di cư đã thống trị nền kinh tế, nắm giữ những vị trí và công việc được trả lương cao như trong ngân hàng, dịch vụ kỹ thuật và quản lý công... Việc này đã làm nảy sinh những mâu thuẫn trầm trọng giữa người Hán và người bản địa. Lãnh đạo Trung Quốc từng cam kết thúc đẩy phát triển nhanh chóng hơn để củng cố đoàn kết nhưng vấn đề là các khoản đầu tư cho Tân Cương cho đến nay chủ yếu để phục vụ lợi ích của người Hán.
Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến hàng loạt các vụ khủng bố ở khu tự trị Tân Cương. Ngày 25/11/2013, Tạp chí Oriental Outlook đưa tin, có gần 200 vụ tấn công khủng bố xảy ra ở khu tự trị Tân Cương trong năm 2012, tăng đáng kể so với năm 2011. Thông tin này được đưa ra 1 tháng sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ngày 28/10/2013 ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Cuộc tấn công khủng bố ở Quảng trường Thiên An Môn khiến 3 người Duy Ngô Nhĩ trên xe và 2 khách bộ hành thiệt mạng cũng như nhiều người khác bị thương sau khi một chiếc ô tô lao vào đám đông người đi bộ tại khu vực quảng trường Thiên An Môn rồi phát nổ.
Mới đây nhất, một vụ khủng bố đã xảy ra ở một ga xe lửa tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương đúng lúc ông Tập Cận Bình có chuyến thăm 4 ngày tới vùng này. Sự việc làm ba người chết và 79 người bị thương. Vụ tấn công do Ismail Yusup, thuộc nhóm khủng bố có tên gọi Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM), lên kế hoạch từ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, Tân Hoa Xã dẫn lời các nhà chức trách.
Vụ tấn công khủng bố tại quảng trường Thiên An Môn ngày 28/10/2013 do người Duy Ngô Nhĩ tiến hành. |
Ngoài những hoạt động đấu đá trong chính quyền hay tình hình Tân Cương ngày càng nóng, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với tình trạng phân hóa xã hội giàu - nghèo ngày càng sâu sắc, thể hiện ra ở những vụ biểu tình gần đây của người lao động ở một số thành phố miền duyên hải. Không những thế, các nhà nghiên cứu phương Tây đã và đang phát hiện thêm nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ngày càng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Với hàng loạt các vấn đề nêu trên, chính quyền Trung Quốc cần có một đòn bẩy để kích hoạt sự đoàn kết dân tộc và có vẻ như gây xung đột với các quốc gia láng giềng với chiêu bài tự vệ là cách thức tốt nhất.
Gây sự trên biển để che giấu bất ổn
Nhằm đối phó với hàng loạt các vấn đề bất ổn trong nước, không khó để hình dung Trung Quốc sẽ sử dụng một loạt hành động gây hấn có kiểm soát, nhằm thỏa mãn dư luận trong nước để giữ tinh thần dân tộc trên cao, củng cố cảm giác về một cường quốc Trung Quốc đang trỗi dậy. Hành động này của Trung Quốc đã không qua được mắt nhiều chuyên gia trên thế giới.
Trong bài viết mới của mình đăng trải trên trang World Politics Review ngày 23/4, Giáo sư Steven Metz chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia, Giám đốc chương trình nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, ĐH Chiến tranh Lục quân Mỹ cũng khẳng định, giới lãnh đạo Trung Quốc duy trì sự ủng hộ của công chúng trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm lại bằng cách sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cảnh báo về các kẻ thù bên ngoài nhằm hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc vào các kẻ thù bên ngoài thay vì chống lại chính phủ nước này.
Trước đó, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ tại Washington là Robert D. Kaplan cũng có bài viết trên tạp chí chuyên ngành tình báo Stratfor cho biết, Trung Quốc bằng các hành đông gây hấn ở biển Hoa Đông và biển Đông đang hi sinh các lợi ích chiến lược trung hạn để đạt được các lợi ích ngắn hạn tại quốc nội.
Ông Robert cho rằng, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang phải chịu sức ép quá lớn từ hàng loạt các vấn đề bất ổn trong nước. Khi cải cách căn bản và tái cân bằng nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi thì nguy cơ bất ổn chính trị và xã hội vẫn có thể xảy ra. Chính vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cần đòn bẩy để giảm bớt sức ép dư luận đối với đội ngũ lãnh đạo dưới quyền. Chủ nghĩa dân tộc là thứ vũ khí thường được sử dụng trong bối cảnh này.
Không chỉ các học giả nước ngoài, các học giả trong nước cũng có những ý kiến đồng tình với việc Trung Quốc đang sử dụng các hành động gây hấn với nước ngoài để đánh lạc hướng dư luận trong nước.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu CSB 4032 của Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. |
Thạc sĩ Hoàng Việt – một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhiều năm dưới góc độ luật quốc tế nhận định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động nhằm kéo dư luận trong nước hướng tới căng thẳng trên Biển Đông thay vì xoáy sâu vào những vấn đề nội địa.
Có thể kể đến hàng loạt các hành động gây hấn được Trung Quốc thực hiện trên biển Hoa Đông và biển Đông trong những năm gần đây .
Chưa đến 1 tháng sau khi xảy ra vụ khủng bố trên Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản vào ngày 23/11.
Kể từ đầu năm 2014, Trung Quốc cũng có hàng loạt các vụ gây hấn trên Biển Đông như chặn tàu tiếp tế của Philippines cho các binh sĩ trên Bãi Cỏ Mây hồi tháng 3, hay hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Lê Trang - Kiến Thức
No comments:
Post a Comment