Wednesday, May 21, 2014

“Nếu ta đơn thương độc mã trước thủ đoạn thâm hiểm của Trung Quốc...”

Ông Ngô Quang Xuân - nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và WTO khẳng định, vị thế “sứ mệnh hòa bình” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tỏ ra bất lực và bị lấn lướt bởi các cơ chế hiếu chiến.
Nếu ta đơn thương độc mã trước thủ đoạn thâm hiểm của Trung Quốc...
Ông Ngô Quang Xuân: "Xâm chiếm lãnh thổ các nước láng giềng và tham vọng bành trướng xuống Biển Đông luôn nằm trong “Giấc mộng Đại Trung Hoa”
Ông Ngô Quang Xuân – nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và WTO cho rằng cách hành xử của Trung Quốc với biên giới biển đảo thiêng liêng của Việt Nam không xứng đáng với tư thế và bản chất của một cường quốc, với tư cách là một nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, cơ chế duy nhất được Liên Hợp quốc giao cho sứ mệnh bảo vệ và gìn giữ hòa bình. Đặc biệt hành xử này cũng không xứng đáng với tình cảm hòa hiếu, thiện chí của dân tộc Việt Nam.
Nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định, vị thế “sứ mệnh hòa bình” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tỏ ra bất lực và bị lấn lướt bởi các cơ chế hiếu chiến.
“Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật bẻ dần từng chiếc đũa”
Thưa ông, hành động ngang ngược của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải phản ứng dữ dội của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế trong đó có các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ấn Độ… Đây là những phản ứng mà Bắc Kinh có thể dễ dàng đoán trước nhưng tại sao Trung Quốc vẫn ngang ngược “làm càn”, và tỏ ra hung hăng trên Biển Đông ?
Xâm chiếm lãnh thổ các nước láng giềng và tham vọng bành trướng xuống Biển Đông luôn nằm trong “Giấc mộng Đại Trung Hoa”, là bản chất cố hữu của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ xa xưa đến nay. Bản chất này thường làm lu mờ tư duy của họ và luôn là yếu tố làm Trung Quốc mất tỉnh táo trong ứng xử với với nhiều nước chứ không chỉ đối với Việt Nam.
Có thể Trung Quốc lo sợ Mỹ đang cân bằng chiến lược và chuyển trọng tâm sang châu Á- Thái Bình Dương nên khi không thể “bắt nạt” Nhật và Philippines (do vùng biển đảo những nước này nằm dưới ô của các Hiệp định an ninh quốc phòng với Mỹ), họ đành chọn phương án “hù dọa” Việt Nam là an toàn nhất. Về mặt quốc tế, Trung Quốc tin rằng “bắt nạt” Việt Nam thì cùng lắm hứng chịu búa rìu dư luận chứ làm gì có ai đem tàu thuyền, vũ khí đến chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an toàn an ninh hàng hải cùng Việt Nam?
Thật tiếc là cái chất xâm lược bành trướng ngấm sâu vào xương tủy đã che mờ mắt họ, làm cho họ không thể nhìn thấy được những mất mát lớn gấp bội phần lợi ích họ thu được. Chiến lược bẩn thỉu “mưa dần thấm lâu”, tìm cách “bẻ dần từng chiếc đũa” đã được họ sử dụng để chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa, nay đang được họ áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong các giải pháp cần làm để chống lại sự xâm phạm lãnh thổ trắng trợn của phía Trung Quốc, đâu là biện pháp đấu tranh được ông quan tâm nhất?
Tôi luôn chia sẻ quan điểm cho rằng trong đấu tranh về vấn đề Biển Đông, bên cạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì ta nên chĩa sâu mũi dùi vào hành động đe dọa của Trung Quốc đối với hòa bình - ổn định, an toàn - tự do hàng hải, trên cả cấp độ khu vực và quốc tế. Chúng ta cũng nên sẵn sàng đưa vấn đề ra các cơ chế đa phương, nhất là Trọng tài và Tòa án quốc tế, Hội đồng Bảo an LHQ…
Tôi mong muốn đừng ai nói “không nên” vì còn lăn tăn, ảo tưởng vào những điều không đâu. Một mình Việt Nam đơn thương độc mã với thủ đoạn thâm thúy của Trung Quốc sẽ rất khó khăn.
Tôi cũng rất mong muốn Việt Nam nên cùng với một số nước đang bị Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ như Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines… thành lập thêm một diễn đàn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về xử lý hòa bình tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tôi tin rằng các nước sẽ ủng hộ vì lợi ích lâu dài chung sống với Trung Quốc. Về song phương, tôi mong muốn chúng ta luôn bình tĩnh nhưng cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình là tối thượng nhưng cũng luôn cảnh giác, chuẩn bị mọi phương án, kể cả phương án xấu nhất.
"Phải cho thế giới hiểu rõ dã tâm của Trung Quốc"
Trung Quốc là một thành viên trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, ông có cho rằng nước này sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình và gây khó khăn cho Việt Nam khi mang vấn đề này ra cơ chế đa phương lớn nhất toàn cầu?
Phái đoàn Việt Nam đã có văn bản đưa ra cho các nước thành viên tại Liên Hợp Quốc hiểu rõ bản chất sự việc lần này. Nhưng chúng ta nên đưa vấn đề này ra cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bởi đây là cấp cao nhất và có sức ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Về phía Trung Quốc, họ là 1 trong 5 nước lớn trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, họ có quyền phủ quyết hay còn gọi là quyền Veto. Vậy quyền này được sử dụng khi nào? Đó là khi Hội đồng Bảo An ra nghị quyết hay một quyết định tập thể đòi hỏi phải bỏ phiếu về một vấn đề nào đó, cần sự đồng thuận của 5 nước này. Nếu Trung Quốc dùng quyền phủ quyết thì vấn đề đó sẽ không được thông qua. Vì thế, rất khó để Hội đồng Bảo An đưa ra một nghị quyết hay quyết định cụ thể về vấn đề này.
Tuy nhiên, quyền phủ quyết này nhiều khi không công bằng và vì thế đa số các nước thành viên đều yêu cầu LHQ phải cải tổ.
Theo tôi, Việt Nam vẫn cần thiết phải đưa vấn đề ra quốc tế, bởi có như thế chúng ta mới cho thế giới hiểu rõ được bản chất, dã tâm bành trướng của Trung Quốc, đồng thời tỏ rõ được thiện chí hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của mình.
Trước tình trạng Trung Quốc ngày càng có hành vi ngang ngược ở biển Đông, giới chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phản ứng mạnh hơn...
Trong trường hợp này, Trung Quốc đã xâm lấn chủ quyền của Việt Nam và gây hấn đe dọa hòa bình ổn định, đe dọa an toàn và tự do hàng hải quốc tế, nếu trừng phạt hay cấm vận Trung Quốc cũng là phù hợp và mang lại nhiều ý nghĩa. Và tôi nghĩ đây là biện pháp cần làm nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang, vi phạm các thông lệ, luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, liệu các nước lớn có sẵn sàng hy sinh lợi ích mà họ “lợi dụng” được trong quan hệ với Trung Quốc hay không? Đó lại là một vấn đề khác.
Tuy nhiên, theo tôi với những hành động bành trướng, ngang ngược, coi thường pháp luật, thông lệ quốc tế, Trung Quốc đang là thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế. Hơn hết, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ các nước, môi trường hòa bình, ổn định, an toàn và tôn trọng giao thông hàng hải là yêu cầu sống còn và khát vọng chung của nhân dân các nước. Và vì thế, Trung Quốc càng hung hăng lấn tới, thế giới càng lo sợ e ngại, sẽ càng lên án mạnh mẽ và có những biện pháp chống lại tham vọng xâm lược bành trướng “Đại Trung Hoa”.
Hà Trang - Dân Trí

No comments:

Post a Comment